Lịch sử hình thành làng gốm Bát Tràng

Ở Việt Nam thì hầu như không ai là không biết đến các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng. Đây là làng gốm có lịch sử hình thành và phát triển xuyên suốt dọc theo quá trình dựng và giữ nước của dân tộc ta. Vậy trong suốt chiều dài lịch sử làng Bát Tràng đã hình thành và phát triển ra sao? Bạn đọc hãy cùng Phụ Kiện Nhà Đẹp tìm hiểu qua bài viết sau nhé!

Giới thiệu về làng gốm Bát Tràng

Làng gốm Bát Tràng nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 16km tại vùng tả ngạn sông Hồng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Đây là nơi sản xuất ra các sản phẩm gốm sứ cao cấp và da dạng mẫu mã cung cấp không chỉ cho khách hàng trong nước mà còn cả quốc tế.

Ngày nay làng gốm không chỉ còn là nơi sản xuất mà còn là địa điểm du lịch văn hóa cộng đồng khá nổi tiếng, du lịch Bát Tràng quý khách sẽ được trải nghiệm tự tay làm ra các sản phẩm gốm sứ cũng như được quan sát các công việc hàng ngày của một người nghệ nhân.

Một số hình ảnh xưa và nay của làng gốm Bát Tràng
Một số hình ảnh xưa và nay của làng gốm Bát Tràng

Lịch sử hình thành và phát triển làng gốm Bát Tràng

Lý do hình thành làng gốm Bát Tràng

Theo "Đại việt sử ký toàn thư" và" Dư địa chí của Nguyễn Trãi" thì làng gốm Bát tràng được hình thành vào khoảng năm Canh Tuất (1.010) khi vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư - Ninh Bình về Đại La sau đổi tên thành Thăng Long và ngày nay là Hà Nội. Khi nhà lý dời đô về Thăng Long thì 5 dòng họ làm nghề gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát nay là huyện Yên Mô - tỉnh Ninh Bình là Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm. Nhận thấy tiềm năng phát triển của kinh đô mới nên họ đã quyết định định đưa gia đình và các thợ thủ công lành nghề dời làng di cư về kinh thành Thăng Long để lập nghiệp.

Khi đến Thăng Long họ chọn vùng đất bồi của con sông Hồng, nơi có nguồn đất sét cao lanh tốt để làm nơi an cư lạc nghiệp và đặt tên nơi đây là "Bạch Thổ Phường" tức " làng đất trắng". 5 dòng họ trên đã kết hợp với dòng họ Nguyễn Ninh Tràng nơi đây để lập lên các lò sản xuất gốm đầu tiên, đây chính là khởi đầu cho làng gốm Bát Tràng thịnh vượng mãi về sau.

Hình ảnh hoàng thành Thăng Long xưa
Hình ảnh hoàng thành Thăng Long xưa

Sự tích về 3 vị thái học truyền nghề

Sử sách có ghi, cũng ở thời nhà lý có ba vị thái học là: là Hứa Vinh Kiều (hay Cảo), Lưu Phương Tú (hay Lưu Vĩnh Phong) và Đào Trí Tiến được cử đi công tác ở Bắc Tống ( Trung Quốc ngày nay). Sau khi hoàn thành nhiệm vị mà triều đình giao phó, trên đường trở về đến Thiều Châu ( hiện nay tại Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) thì gặp bão và phải ngụ lại nơi đây để tránh bão. Tại đây có làng gốm nổi tiếng nên ba ông đã tận dụng cơ hội và học được một số kỹ thuật độc đáo đem về truyền dạy cho bà con làm nghề gốm ở nước ta.

Ông Hứa Vĩnh Kiều truyền cho bà con làng gốm Bát Tràng cách tạo ra nước men rạn trắng, đây cũng là lý do làng Bát Tràng nổi tiếng về gốm men rạn cho đến tận ngày nay.  Lưu Phương Tú truyền cho Phù Lãng (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) nước men màu đỏ màu vàng thẫm. Đào Trí Tiến truyền cho Thổ Hà (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) nước men sắc màu vàng đỏ.

Hình ảnh bình gốm men rạn
Hình ảnh bình gốm men rạn

Lịch sử phát triển qua từng thời kỳ của làng Bát Tràng

Thế kỷ 15-16

Chính sách của nhà Mạc đối với công thương nghiệp trong thời gian này là cởi mở, không chủ trương "ức thương" như trước nên kinh tế hàng hoá có điều kiện phát triển thuận lợi hơn, nhờ đó, sản phẩm gốm Bát Tràng được lưu thông rộng rãi. Gốm Bát Tràng thời Mạc có nhiều sản phẩm có minh văn ghi rõ năm chế tạo, tên người đặt hàng và người sản xuất. Qua những minh văn này cho thấy người đặt hàng bao gồm cả một số quan chức cao cấp và quý tộc nhà Mạc như công chúa Phúc Tràng, phò mã Ngạn quận công, Đà quốc công Mạc Ngọc Liễn, Mĩ quốc công phu nhân... Người đặt hàng trải ra trên một không gian rộng lớn bao gồm nhiều phủ huyện vùng đồng bằng Bắc Bộ và bắc Trung Bộ.

Thế kỷ 16-17

Sau các phát kiến về hàng hải vào cuối thế kỷ 15, nhiều nước phát triển ở Tây Âu như: Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp,... bắt đầu tràn sang các nước châu Á để giao thương buôn bán khởi đầu cho kỷ nguyên giao thương giữa các lục địa. Cũng trong thời kỳ này thì nhà Minh ở Trung Quốc sau khi thành lập đã thi hành chính sách bế quan tỏa cảng cấm giao thương, buôn bán với người nước ngoài. Điều này đã buộc các nhà buôn châu Âu phải tìm kiếm nguồn hàng thay thế, nhờ vị trí thuận nơi (gần TQ, nhiều cảng biển), trình độ tạo tác cao nên các làng gốm ở phía bắc như: Bát Tràng và Chu Đâu đã tận dụng được cơ hội này và xuất khẩu sản phẩm ra nhiều nước trên thế giới.

Đây có thể coi là thời kỳ xuất khẩu gốm sứ phát triển nhất trong thời kỳ phong kiến của Việt Nam.

Hình ảnh gốm Bát Tràng cổ
Hình ảnh gốm Bát Tràng cổ

Cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18

Ở thời kỳ này gốm sứ Bát Tràng nói riêng và gốm sứ Việt Nam nói chung giảm sút rất nhiều vì nhà Thanh sau khi giải phóng Đài Loan đã tiến hành nhiều chính sách cải cách, trong đó có mở cửa giao thương buôn bán với nước ngoài. Kể từ thời điểm này các nhà buôn bắt đầu chuyển hướng sang gốm sứ của Trung Quốc, gốm sứ cao cấp của Trung Hoa tràn ngập các thị trường như Đông Nam Á, Nhật Bản, Châu Âu,.. Các sản phẩm gốm của Việt Nam không đủ sức cạnh tranh từ đó dần đánh mất thị phần và khép lại kỷ nguyên xuất khẩu gốm sứ.

Hình ảnh gốm sứ Trung Quốc cổ
Hình ảnh gốm sứ Trung Quốc cổ

Thế kỷ 18 đến thế kỷ 19

Đây là thời kỳ Vua Lê - Chúa Trịnh ( thế kỷ 18) và sau đó là các vua nhà Nguyễn ( thế kỷ 19) nắm quyền, điểm chung của 2 chế độ này là đều hạn chế giao lưu buôn bán xuất khẩu với các nước bên ngoài. Bởi vậy nên nền ngoại thương của Việt Nam sa sút trầm trọng trong đó có cả xuất khẩu gốm sứ, thậm chí làng gốm Chu Đâu đã biến mất trong thời kỳ này. May mắn hơn Bát Tràng tuy giảm mức xuất khẩu gốm sứ về gần như bằng không nhưng vẫn giữ lại được thị trường trong nước, gốm sứ Bát Tràng vẫn được người dân Việt ưa chuộng với các sản phẩm như: đồ gia dụng, đồ thờ, đồ trang trí và gạch xây rất cần thiết cho mọi tầng lớp xã hội từ quý tộc đến dân thường.

Hình ảnh chợ gốm giai đoạn thế kỷ 18
Hình ảnh chợ gốm giai đoạn thế kỷ 18

Thế kỷ 19 đến nay

  • Trong thời Pháp thuộc mặc dù bị các xí nghiệp gốm xứ và hàng nước ngoài cạnh tranh mạnh mẽ, tuy nhiên các lò gốm Bát Tràng vẫn chứng tỏ mình là một lão đại trong ngành khi hoạt động sản xuất vẫn không hề bị ảnh hưởng.
  • Sau cải cách ruộng đất năm 1955, 10 cá nhân là địa chủ, con địa chủ của thôn Giang Cao đã gốm vốn thành lập công ty gốm Trường Thịnh để sản xuất gốm sứ dân dụng phục vụ xã hội, đây là nền tảng khởi đầu cho Xí nghiệp sứ Bát Tràng. Đến 1958 nhà nước tiến hành hợp nhất công ty gốm Trường Thịnh thành Xí nghiệp sứ Bát Tràng, thuê công nhân thôn Bát Tràng vào làm việc. Với cơ sở vật chất đầy đủ, nhân công Bát Tràng được thử nghiệm, thực hành, sáng tạo trên cơ sở sự chịu khó, cần cù đã tạo nên được một thế hệ có tay nghề gốm vững chãi. Cùng lúc đó một số hợp tác xã như Hợp Thành (1962), đóng ở phần đất gần với xã Đa Tốn, Hưng Hà (1977), Hợp Lực (1978), Thống Nhất (1982), Ánh Hồng (1984) và Liên hiệp ngành gốm sứ (1984)Xí nghiệp X51, X54 (1988)... Các cơ sở sản xuất trên cung cấp hàng tiêu dùng trong nước, một số hàng mĩ nghệ và một số hàng xuất khẩu. Những nghệ nhân nổi tiếng như của Bát Tràng như Đào Văn Can, Nguyễn Văn Khiếu, Lê Văn Vấn, Lê Văn Cam,Trần Hợp... đào tạo được nhiều thợ gốm trẻ cung cấp cho các lò gốm mới mở ở các tỉnh.
  • Sau năm 1986 làng gốm Bát Tràng có sự chuyển biến lớn theo hướng kinh tế thị trường. Các hợp tác xã lần lượt giải thể hoặc chuyển thành công ty cổ phần, những công ty lớn được thành lập nhưng vẫn còn tồn tại nhiều tổ sản xuất và phổ biến là những đơn vị sản xuất nhỏ theo hộ gia đình. Xã Bát Tràng nay đã trở thành một trung tâm gốm lớn.
  • Hiện nay, sản phẩm gốm Bát Tràng càng ngày càng phong phú và đa dạng. Ngoài các mặt hàng truyền thống, các lò gốm Bát Tràng còn sản xuất nhiều sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong Việt Nam như các loại ấm chén, bát đĩa, lọ hoa... kiểu mới, các vật liệu xây dựng, các loại sứ cách điện... và các sản phẩm xuất khẩu theo đơn đặt hàng của nước ngoài. Sản phẩm Bát Tràng có mặt trên thị trường cả nước và được xuất khẩu sang nhiều nước châu Áchâu Âu. Bát Tràng cuốn hút nhiều nhân lực từ khắp nơi về sáng tác mẫu mã mới và cải tiến công nghệ sản xuất. Một số nghệ nhân đã bước đầu thành công trong việc khôi phục một số đồ gốm cổ truyền với những kiểu dáng và nước men đặc sắc thời Lý, Trần, Lê, Mạc...

Hình ảnh nghệ nhân sản xuất gốm sứ
Hình ảnh nghệ nhân sản xuất gốm sứ

Địa giới của làng gốm Bát Tràng qua từng giai đoạn

  • Trước 1.010: xã Bồ Xuyên và trang Bạch Bát thuộc tổng Bạch Bát, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên, trấn Thanh Hóa ngoại, nay là hai thôn của xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình
  • Thời nhà lý(1.009 - 1.225): Khi đến Thăng Long những người dân làng Bạch Bát đã chọn vùng đất bồi bên bờ sông hồng làm nơi An Cư Lạc Nghiệp. Họ đã lập phường làm nghề gốm, ban đầu thôn Bát Tràng được gọi là Bạch Thổ Phường, mưu sinh chủ yếu bằng nghề làm gốm sứ, buôn bán, trong làng cũng có nhiều người làm quen trong triều đình.
  • Thời nhà Hậu Lê(1.428 - 1.789): xã Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc.
  • Thời nhà Nguyễn (1802 - 1.945): năm 1822 trấn Kinh Bắc đổi làm trấn Bắc Ninh,
  • Năm 1831: đã đổi làm tỉnh Bắc Ninh, lúc này xã Bát Tràng thuộc tổng Đông Dư, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An.
  • Đến năm 1862: chia về phủ Thuận Thành và năm 1912 chia về phủ Từ Sơn. Từ tháng 2 đến tháng 11 năm 1949, huyện Gia Lâm thuộc về tỉnh Hưng Yên.
  • Từ năm 1961 đến nay: huyện Gia Lâm thuộc ngoại thành Hà Nội. Năm 1948, xã Bát Tràng nhập với xã Giang Cao và xã Kim Lan lập thành xã Quang Minh. Từ năm 1964, xã Bát Tràng được thành lập gồm 2 thôn Bát Tràng và Giang Cao như hiện nay.

Hình ảnh bảo tàng gốm sứ Bát Tràng ngày nay
Hình ảnh bảo tàng gốm sứ Bát Tràng ngày nay

Năm 1958, nhà nước thực hiện đào sông Bắc Hưng Hải - Đại thuỷ nông Bắc Hưng Hải làm thuỷ lợi tưới tiêu cho một vùng đồng ruộng rộng lớn của 3 tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, tạo ra thêm một con đường mới đi vào xã Bát Tràng, vì vậy từ Hà Nội, có thể theo đường thuỷ từ bến Chương Dương hoặc bến Phà Đen, xuôi sông Hồng đến bến Bát Tràng, cũng có thể theo đường bộ qua sông Hồng rồi theo đê sông Hồng đến dốc Giang Cao rẽ xuống Bát Tràng (khoảng 15 km) hoặc theo quốc lộ số 5 đến Trâu Quỳ rẽ về phía tay phải theo đường liên huyện qua xã Đa Tốn đến Bát Tràng (khoảng hơn 20 km).

Ngày nay việc đến Bát Tràng rất thuận lợi vì từ năm 2006, công ty vận tải Hà Nội đã mở tuyến xe buýt 47A và 47B về đến Chợ Gốm Làng cổ Bát Tràng là điểm cuối bến.

Viết bình luận